'Cổ tích công nghệ' Việt mang tên Zalo
Cách đây một năm, có rất ít người cho rằng Việt Nam có thể làm được một ứng dụng nhắn tin miễn phí cạnh tranh được với những người khổng lồ của thế giới như Line, Kakao Talk, Wechat, Viber… Còn hiện tại, một câu chuyện “cổ tích” của làng công nghệ Việt có tên Zalo đã được viết.
Kỳ 1: Khởi đầu chật vật của những chàng “Đông ki sốt” công nghệ
Zalo được coi là một bước ngoặt của công ty VNG khi chuyển trận chiến từ dịch vụ trên web sang di động. Những chàng trai mang sứ mệnh tiên phong của công ty này đứng trước thử thách lớn bởi ít người tin họ có thể chống lại “những người khổng lồ” - điều được coi là bất khả thi trước đó.
Khi quyết định tấn công sang một lĩnh vực mới, ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động (OTT), công ty VNG có 2 lựa chọn: hợp tác với một đối tác nước ngoài để phát hành Line/Kakao/Wechat tại Việt Nam; tự phát triển một sản phẩm hoàn toàn mới.
Zalo đang tạo cơn sốt trong giới trẻ.
Việc phát hành lại sẽ là hướng đi dễ dàng hơn, bởi các OTT ngoại đã thành công vang dội ở thị trường quốc tế, kết hợp với kinh nghiệm vận hành và quảng bá của VNG thì triển vọng rất khả quan. Trong khi đó, nếu tự phát triển một ứng dụng mới, VNG sẽ tốn rất nhiều nhân lực, tiền bạc và khả năng thành công rất thấp - theo đánh giá của nhiều chuyên gia công nghệ. Điều bất ngờ là VNG lại chọn lối đi khó khăn chứ không chọn điều dễ dàng. Thế nhưng, không có nhiều người bên ngoài biết tới một yếu tố mang tính “lịch sử” ở VNG, các sản phẩm công nghệ do công ty này tự làm thường thành công hơn đi phát hành cho nước ngoài: Zing Chat và Zing MP3 là một ví dụ điển hình. Nếu như Zing Chat được đầu tư lớn cả về tiền bạc và nhân lực để phát hành sản phẩm mua bản quyền của một công ty Trung Quốc, thì Zing MP3 là một ứng dụng nghe nhạc trực tuyến do kỹ sư Việt Nam tự làm. Trên thực tế, Zing MP3 chỉ là một sản phẩm làm chơi, trong thời gian chờ các thủ tục để mua lại Zing Chat và gần như không được đầu tư đáng kể về nhân lực cũng như tài chính. Thế nhưng, trong khi Zing Chat thất bại thảm hại so với Yahoo Messenger thì Zing MP3 lại thành công vang dội, leo lên vị trí số 1 về website nghe nhạc trực tuyến chỉ sau có 3 tháng ra mắt. Kể từ sau thành công của Zing MP3, kèm thất bại của Zing Chat, những kỹ sư làm nhóm sản phẩm Zing của VNG có một niềm tin kiên định: “Người Việt Nam có thể làm được các sản phẩm lớn”. Đây cũng là lý do quan trọng khiến họ chọn việc tự phát triển một ứng dụng nhắn tin miễn phí cho người Việt chứ không phát hành sản phẩm của nước ngoài. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng góp phần quan trọng vào quyết định mạo hiểm với Zalo: nhân sự chủ chốt của nhóm làm sản phẩm này là những người luôn nuôi mộng làm sản phẩm lớn cho người Việt và có tố chất lãng mạn kiểu “Đông Ki Sốt”. Vừa bắt đầu đã thấy vực thẳm Trả lời chuyên trang công nghệ châu Á (Techinasia), ông Vương Quang Khải - Phó tổng giám đốc VNG nói: “Năm ngoái, chúng tôi xác định ‘Mobile first’ sẽ là chiến lược quan trọng để tiến lên phía trước, và Zalo thực sự là một bước khởi đầu mới”. Người đứng đầu các sản phẩm Web và Mobile của VNG chia sẻ thêm: “Zalo là từ kết hợp của Zing và Alo (dùng để chào nhau khi nghe máy ở Việt Nam). Nếu nhìn vào tên các sản phẩm trước đó như Zing MP3, Zing Me, Zing Game..., có thể thấy chúng tôi luôn sử dụng đầy đủ thương hiệu Zing để đặt tên cho các sản phẩm của mình. Zing gắn liền với các dịch vụ web, nên có thể coi Zalo là một bước tiến hoàn toàn khác biệt. Cái tên của ứng dụng mang ý nghĩa tượng trưng cho bước chuyển hướng của chúng tôi từ một lĩnh vực đã quen thuộc sang một không gian mới”.
Zalo đã chính thức vượt mốc 5 triệu người dùng vào ngày 25/9, với trung bình 55 triệu tin nhắn được trao đổi qua hệ thống mỗi ngày.
Và cũng giống như một số sản phẩm lớn “họ” nhà Zing tự phát triển trước đó, Zalo khởi đầu trong mối hoài nghi không chỉ từ bên ngoài mà ngay cả bên trong VNG cũng còn không ít ý kiến băn khoăn. Những đối thủ sừng sỏ thế giới như Line, Kakao Talk, Wechat, Viber… đã có bề dày kinh nghiệm, cộng với khả năng công nghệ, sản phất cực tốt, tiềm lực tài chính dồi dào… Zalo với một đội ngũ ít người hơn những ông lớn của thế giới, tài chính cũng kém hơn, kinh nghiệm tiếp thị và phân phối với các ứng dụng trên mobile chỉ là con số không. Cơ hội thành công của Zalo được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trên thực tế, vị thế của Zalo trong trận chiến với các OTT ngoại là rất thấp. Kể từ khi quyết định tham gia với sản phẩm tự phát triển (cuối năm 2011), Zalo phải mất tới 8 tháng mới có phiên bản thử nghiệm. Khởi đầu chậm, nhóm phát triển Zalo còn mắc thêm một sai lầm nghiêm trọng, là máy móc sử dụng nền tảng web cho ứng dụng trên điện thoại di động. Điều này khiến cho Zalo gặp nhiều lỗi, việc phát triển sản phẩm tưởng như rơi vào ngõ cụt. Trong khi đó, đối thủ Wechat đến từ Trung Quốc đã góp mặt trên thị trường Việt Nam từ tháng 4/2012 với các chương trình marketing rầm rộ và đạt gần 1 triệu người dùng khi Zalo chưa có phiên bản chính thức. Thời điểm này, mức độ phát tán của Wechat đã nhanh đến mức nhiều chuyên gia công nghệ và viễn thông cho rằng cuộc chiến OTT đã an bài. Vào cuối tháng 12/2012, trong một bức thư chia sẻ cùng nhân viên về những thách thức của năm 2013, ông Lê Hồng Minh - CEO VNG cũng thừa nhận: “Zalo đang bị đặt trong một tình thế vô cùng mong manh khi tất cả các đối thủ mạnh nhất, giỏi nhất và giàu nhất đang dồn sức cho cuộc chiến ‘Winner-take-all’. VNG chỉ có năm 2013 để đánh trận Zalo, và sẽ phải cố gắng tập trung toàn lực để giành lấy một cơ hội thành công, dù không cao”. Phát ngôn về trận chiến toàn lực năm 2013 của CEO VNG trên mặt trận mobile khiến nhiều người rất ngạc nhiên, bởi đây là lĩnh vực mà hầu hết các chuyên gia đều tin rằng, ứng dụng Việt Nam không có cửa thắng. Thêm vào đó, số tiền phải đầu tư cho nhân sự, máy móc, sản phẩm, marketing… lên tới cả chục triệu USD. Đúng lúc kinh tế khủng hoảng trầm trọng nhất mà ban lãnh đạo VNG vẫn quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào một sản phẩm rủi ro quá cao là điều khó hiểu với rất nhiều người. Kỳ tới: Lời “tuyên thệ” từ chức đồng loạt và bước ngoặt quyết định Theo Tuổi trẻ